Sự phát triển của em bé 11 tháng tuổi
Mẹ bỉm đã biết khi trẻ 11 tháng tuổi sẽ phát triển thế nào và biết làm thêm nhiều trò mới gì hay chưa? Mẹ nên làm gì để tạo điều kiện cho bé yêu phát triển một cách tốt nhất? Bài viết sau đây chắc chắn sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn về những cột mốc quan trọng và biết thêm nhiều lời khuyên thiết thực dành cho trẻ 11 tháng tuổi.
Những điều mẹ cần biết khi trẻ được 11 tháng tuổi
Thấm thoát mới đó mà con yêu đã được 11 tháng tuổi, mẹ cũng đã dần quen với cuộc sống bận bịu, chăm sóc con mỗi ngày. Bao vui buồn, cực khổ trong thời gian qua cũng chẳng là bao khi được ngắm nhìn con yêu say giấc nồng, khỏe mạnh lớn lên từng ngày. Các bé đã dần dà hình thành được thói quen ăn ngủ đúng giờ, giảm bớt gánh nặng cho mẹ.
Đặc biệt, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến ngày sinh nhật đầu tiên trong đời của trẻ. Cho nên ngay từ bây giờ, mẹ hãy nhanh nhanh lên ý tưởng để chuẩn bị một bữa tiệc sinh nhật thật vui, thật thú vị để đón chào cột mốc đầu tiên cho trẻ. Có một sự thật mẹ phải biết rằng, các bé vẫn chưa thật sự hiểu được sinh nhật là gì đâu. Vì vậy, nếu mẹ muốn làm gì đó để ghi dấu kỷ niệm cho cột mốc này thì có thể tự tạo cho mình một bữa tiệc hoành tráng với sự góp mặt đông đủ của các thành viên trong gia đình. Chụp thêm một vài bức ảnh hay quay một vài đoạn phim ngắn thú vị để mai sau có thể cho các bé cùng xem lại sinh nhật đầu tiên được tổ chức ra sao. Hoặc cha mẹ cũng có thể cùng nhau làm một bữa cơm tối giản đơn với một chiếc bánh kem nhỏ để đón sinh nhật đầu đời cùng các bé. Hãy sắp xếp, chuẩn bị mọi thứ sao cho phù hợp vào sở thích và điều kiện kinh tế của gia đình mình mẹ nhé.
Sự phát triển của trẻ 11 tháng tuổi
Ở giai đoạn 11 tháng tuổi trong điều kiện trẻ phát triển bình thường, các bé gái sẽ có cân nặng trung bình khoảng 8.7 kg và cao khoảng 73 cm. Còn bé trai sẽ có cân nặng là 9.4 kg cùng chiều cao trung bình 74.4 cm. Đây là khoảng thời gian trẻ bắt đầu chập chững biết đi, phát triển nhiều hơn về thể chất nhất là phần cơ bắp cho nên ít nhiều mẹ sẽ dễ dàng nhận thấy con yêu không còn vẻ ngoài mũm mĩm nữa mà bắt đầu gầy hơn. Tuy nhiên, đây là sự phát triển hoàn toàn bình thường của trẻ, mẹ không cần phải quá lo lắng đâu nha.
Về thể chất
-
Trẻ biết bò, trườn, lê mông và tự đứng lên mà không cần nhờ đến sự trợ giúp
-
Các bé có thể tự bước vài bước chập chững
-
Tự đi tới cầm, nắm lấy hoặc chỉ vào các đồ vật yêu thích của mình
-
Trẻ đã có thể tự cầm và ăn các loại thức ăn được mẹ cắt thành từng miếng nhỏ
-
Biết vẫy tay chào tạm biệt, hôn gió,...
-
Bập bẹ một vài từ đơn như “ma”, “đa”, “ba” hoặc bắt chước lại phát âm của cha mẹ
-
Biết cầm nắm và xếp đồ chơi theo thứ tự cha mẹ hướng dẫn
Trí tuệ
-
Phát triển hoàn thiện về thị lực
-
Các bé luôn tỏ ra thích thú khi được khám phá mọi thứ xung quanh
-
Biết biểu lộ cảm xúc khi chia tay, tạm biệt ai đó
-
Một số tính cách mới của trẻ đã bắt đầu bộc lộ
-
Thể hiện một số sở thích cụ thể
-
Biết gắn ý nghĩa vào câu từ, chẳng hạn như khi mang giày bé sẽ biết nói “bái bai” hoặc hôn gió theo lời chỉ bảo của cha mẹ
-
Các bé biết bắt chước âm thanh của động vật
-
Trẻ trở nên vui vẻ hơn khi nghe được bản nhạc yêu thích
Dù cho trong giai đoạn nào đi chăng nữa, cha mẹ nên dành cho trẻ nhiều sự quan tâm, chăm sóc. Quan sát từng sự thay đổi của các bé để có thể hiểu rõ được trẻ có phát triển toàn diện hay không hoặc con yêu đang gặp phải vấn đề gì. Nếu như trẻ được 11 tháng tuổi mà vẫn chưa thể tự bò, tự ngồi dậy hay không đáp lại lời của cha mẹ nên các bạn nên đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để kiểm tra toàn diện sự phát triển của các bé.
Lời khuyên từ Maru dành cho trẻ 11 tháng tuổi
Thời gian biểu sinh hoạt mỗi ngày dành cho trẻ
Ở giai đoạn 11 tháng tuổi, con yêu của các bạn dường như lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, háo hức tìm tòi, khám phá mọi thứ xung quanh. Đôi khi trẻ ham chơi mà quên khuấy đi bữa ăn của mình. Do đó, mẹ nên lên sẵn cho trẻ một thời gian biểu sinh hoạt trong ngày thật hợp lý. Chẳng hạn như:
-
7:00 - Trẻ thức dậy và bú cữ sữa đầu tiên trong ngày
-
8:00 - Ăn bữa phụ như trái cây, sữa chua,...
-
10:00 - Trẻ ngủ giữa buổi sáng
-
12:30 - Ăn bữa trưa
-
14:00 - Cho trẻ ngủ trưa.
-
17:30 - Trẻ ăn tối và chơi đùa cùng cha mẹ.
-
19:00 - Cho trẻ lên giường, đọc sách hoặc kể chuyện cho trẻ trước khi đi ngủ
-
19:30 - Tạo cho trẻ không gian thoải mái để ngủ ngon giấc hơn, nâng cao chất lượng giấc ngủ
Chế độ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ 11 tháng tuổi
Với trẻ 11 tháng tuổi, mỗi ngày cha mẹ nên cho trẻ uống từ 450 - 600ml sữa mẹ hoặc sữa công thức kết hợp cùng các bữa ăn dặm để bổ sung đầy đủ năng lượng cho những hoạt động cần thiết trong ngày. Con yêu của bạn giờ đây cũng đã chập chững bước những bước đi đầu tiên, do đó trong bữa ăn nên có thêm nhiều trái cây tươi, rau xanh, các loại hạt, sữa chua và không thể thiếu các loại thịt cá để bổ sung protein cần thiết cho bé. Lưu ý, ở giai đoạn này hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn khả yếu, nên chưa thể uống được nước ép trái cây đâu mẹ nhé, chúng sẽ làm cho trẻ bị dễ bị táo bón đó hơn bình thường.
Trẻ ở giai đoạn 11 tháng tuổi cũng có thể ngủ sớm hơn giờ ăn hoặc tiêu hao cả tiếng đồng hồ để hoàn thành bữa ăn chính của mình. Đôi khi, điều này lại ảnh hưởng đến giờ ăn cơm và sinh hoạt chung của cả bố lẫn mẹ. Không chỉ có thế, bữa cơm gia đình còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách, cách ứng xử của trẻ sau này. Đây cũng là thời gian để cha mẹ rèn luyện cho bé thói quen ăn uống. Vì vậy, mẹ hãy cố gắng tạo điều kiện cho các bé cùng ngồi ăn uống chung với mọi người trong gia đình nha.
Mẹ có thể để bé tập dùng các loại chén, dĩa hoặc cốc nhỏ cũng như tập sử dụng các loại muỗng, đũa, nĩa cho trẻ em nhằm tạo thói quen ăn uống cũng như giúp cho các bé ăn ngon miệng hơn. Chẳng hạn như dạy cho trẻ cách cầm ly nước, cách uống nước từ trong ly,... Trong mỗi bữa ăn, mẹ hãy cùng trẻ nếm thử nhiều loại thức ăn mới. Lưu ý, mẹ nên cắt nhỏ thức ăn hoặc hầm mềm để tránh tình trạng trẻ chưa nhai nuốt tốt và dễ bị mắc nghẹn.
Tuy nhiên, mẹ bỉm cũng phải biết rằng không phải lúc nào trẻ cũng hợp tác nếm thử những loại thức ăn mới. Các bé sẽ nhăn mặt hoặc ngó lơ đi để biểu thị sự từ chối của mình. Vì vậy, mẹ hãy thật kiên nhẫn để giúp trẻ ăn tốt hơn. Mẹ cũng có thể chế biến thức ăn thành những hình thù dễ thương, màu sắc bắt mắt để “dụ dỗ” trẻ một cách dễ dàng. Và một trong những cách tốt nhất giúp trẻ ăn uống ngon miệng hơn đó là cho các bé tự trải nghiệm việc ăn uống. Hãy để trẻ thỏa thích cầm nắm đồ ăn, tự xúc ăn hoặc thậm chí là nhào nặn đồ ăn của mình theo ý thích. Như vậy, vừa kích thích được sự tò mò khám phá của trẻ vừa giúp trẻ dễ dàng ăn thêm đầy đủ các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng cho cơ thể.
Ngoài ra, trong thời điểm này mẹ vẫn nên cho trẻ tiếp tục bú sữa mẹ để tốt cho sự phát triển của các bé hoặc cho trẻ bú bao lâu tùy thích miễn là không ảnh hưởng đến công việc và sức khỏe của mình. Nếu như mẹ mang thai lần nữa thì vẫn có thể tiếp tục cho trẻ bú sữa mà không cần phải lo lắng ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng đâu nha. Chỉ cần mẹ đảm bảo cung cấp cho mình đủ những dưỡng chất, vitamin cần thiết để duy trì chất dinh dưỡng cho cả hai con cùng lúc là được.
Chất lượng giấc ngủ của trẻ 11 tháng tuổi
Trẻ 11 tháng tuổi đã dần dà hình thành thói quen ăn ngủ đúng giờ, các bé đã có thể ngủ liền mạch xuyên suốt cả đêm dài mà không hề thức dậy quấy khóc. Mẹ bỉm chỉ cần cố gắng đảm bảo cho các bé ngủ giấc trưa và giấc ngủ ngắn vào buổi sáng thật ngon để đảm bảo cơ thể của các bé không bị lờ đờ, mệt mỏi vì thiếu ngủ.
Trẻ lúc này cũng trở nên hiếu động hơn, rất thích khám phá, bấu víu vào các vật dụng trong nhà để leo trèo. Vì vậy, cha mẹ nên quan sát trẻ trong tầm mắt của mình cũng như đảm bảo khóa kín tất cả các tủ, để xa đồ nội thất với cửa sổ, bỏ bớt rèm cửa,... để hạn chế những rủi ro không may xảy đến với trẻ. Đồng thời, đừng quên lưu ý chăm sóc thật kỹ răng miệng mỗi khi con yêu mọc thêm những chiếc răng mới be bé, xinh xinh nha.
Chăm sóc sức khỏe cho trẻ 11 tháng tuổi
Ngoài việc chăm sóc về bữa ăn giấc ngủ của trẻ, cha mẹ cũng nên quan tâm hơn đến sự phát triển thể chất để đảm bảo con yêu được phát triển một cách toàn diện. Nhiều cha mẹ bỗng nhận thấy các bé tập đi bằng việc kiễng chân chứ không tập đi bằng cả bàn chân nên rất lo lắng. Liệu rằng tình trạng này kéo dài có ảnh hưởng gì đến sự phát triển xương của các bé hay không? Tuy nhiên đây là việc hoàn toàn bình thường trong quá trình tập đi của trẻ. Cho đến khi trẻ có thể tự đi thật vững vàng thì tình trạng này sẽ tự biến mất mà thôi.
Đồng thời, để tạo điều kiện cho con yêu có thể tự bước đi nhanh chóng và vững vàng hơn, cha mẹ nên cho các bé tập đi bằng chân trần nhiều hơn khi ở trong nhà để giúp trẻ quen dần với cảm giác lòng bàn chân tiếp xúc với bề mặt sàn. Có như vậy, bước đi của các bé mới có thể mạnh dạn và cứng cáp hơn.