Giờ mở cửa: 08:30 - 19:00 các ngày trong tuần Hotline hỗ trợ khách hàng: 0971005434
Tạp hoá Maru

Sự phát triển của em bé 10 tháng tuổi

Thứ Sáu, 16/07/2021
Maru content

Các mốc quan trọng và lời khuyên hàng ngày cho bé khi được 10 tháng tuổi.

Khi được 10 tháng, thường có một bước ngoặt đối với nhiều trẻ khi chúng đạt được tiến bộ trên các cột mốc phát triển mới như tập đứng, xếp đồ và tự xúc ăn. Con bạn sắp đến ngày sinh nhật đầu tiên và mỗi ngày đều mang đến rất nhiều điều mới mẻ và thú vị để học — cho cả hai bạn!

    Mỗi một ngày trôi qua, con yêu đều phát triển hơn từ việc tập lẫy, tập bò cho đến nhận thức rõ hơn về mọi vật xung quanh. Giai đoạn 10 tháng tuổi, các bé không chỉ tròn xoe mắt tiếp nhận mọi thứ mà đã có nhiều sự phát triển rõ rệt. Vì vậy, các mẹ hãy thật lưu ý quan sát tình trạng của bé và hãy cùng con học thêm nhiều điều thú vị cho chặng đường sắp tới. 

    Những điều mẹ cần biết khi trẻ được 10 tháng tuổi

    Khi trẻ 10 tháng tuổi, từng tiếng cười khúc khích, từng bước chập chững nhún nhảy lắc lư khi nghe một bài nhạc yêu thích hay lúc bé sà vào lòng nũng nịu cũng đủ khiến mẹ tan chảy rồi phải không? Đừng quên ghi lại những khoảnh khắc của các bé trong giai đoạn này qua một vài bức ảnh, những đoạn video xinh xắn để đánh dấu từng cột mốc phát triển của trẻ. Sau này nhìn lại thì chính những điều này sẽ là kỷ niệm quý giá mà không gì có thể đánh đổi được.

    Thật vậy, mới ngày nào còn đỏ hỏn trên tay vậy mà thấm thoát con yêu đã tròn 10 tháng tuổi. Mẹ bỉm giờ đây cũng không còn quá chật vật như đánh trận khi phải chăm sóc các bé. Mọi thứ trở nên “dễ thở” hơn sau thời gian dài tích lũy kinh nghiệm, trẻ cũng đã ăn ngủ đúng giờ theo thói quen. Nhờ đó, mẹ bỉm đã có thêm quỹ thời gian nghỉ ngơi hay quay trở lại guồng quay công việc. Đây là khoảng thời gian quan trọng để mẹ chăm sóc lại bản thân của mình, chẳng hạn như tập thể dục, chăm sóc da, chăm sóc cơ thể hoặc đôi khi tự thưởng bằng một vài món quà yêu thích. 

    Sự phát triển của trẻ 10 tháng tuổi

    Thông thường các bé đến 10 tháng tuổi sẽ đạt cân nặng trung bình từ 8,363 - 9,1kg và có chiều cao dao động trong khoảng 71,3 - 73,4cm tùy vào giới tính của trẻ. Đồng thời, các bé đã có sự phát triển vượt trội cả về trí não và thể chất.

    Phát triển về thể chất của trẻ

    Ở giai đoạn này các con yêu của bạn đã có thể làm được khá nhiều trò chẳng hạn như:

    • Chuyển từ tư thế nằm sấp sang tư thế ngồi

    • Ngồi xổm xuống khi đang đứng

    • Vịn tường hay các vật dụng trong nhà để tập đứng lên

    • Trẻ tập bò

    • Tự đứng lên mà không cần vịn vào đồ vật hay nhờ sự trợ giúp của cha mẹ

    • Đi chập chững từng bước

    • Tự cầm thức ăn 

    • Bập bẹ một vài từ đơn hoặc bắt chước lại phát âm của cha mẹ 

    • Biết vẫy tay chào tạm biệt, hôn gió, nháy mắt,...

    • Tự đi tới lấy các đồ vật mà bé muốn

    • Cầm, nắm, sắp xếp theo thứ tự một số đồ chơi đơn giản

    Phát triển về trí não của trẻ

    • Thị lực của các bé đã được phát triển toàn diện như người lớn và có thể nhìn rõ các cấp độ màu sắc

    • Bắt đầu có sở thích cụ thể riêng

    • Luôn tò mò, khám phá đồ vật xung quanh

    • Bộc lộ một số tính cách mới

    • Bé đã có thể biểu thị cảm xúc của mình lúc vui, buồn rõ ràng hơn

    • Biết gắn ý nghĩa vào câu từ, chẳng hạn như khi mang giày bé sẽ biết nói “bái bai” hoặc hôn gió theo lời chỉ bảo của cha mẹ

    • Trẻ trở nên vui vẻ hơn, cơ thể lắc lư nhún nhảy mỗi khi nghe được bản nhạc yêu thích.

    Tuy nhiên, mẹ bỉm nhà mình nên lưu ý nếu như con yêu đã được 10 tháng tuổi mà vẫn chưa thể tự bò hoặc không có bất kỳ phản ứng nào khi cha mẹ trò chuyện cùng bé thì gia đình nên đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, kiểm tra tình trạng phát triển của trẻ. 

    Cha mẹ nên làm gì khi con yêu 10 tháng tuổi?

    Để chăm sóc cũng như tạo điều kiện cho trẻ 10 tháng tuổi phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ trong giai đoạn này, cha mẹ hãy cùng Maru tham khảo qua những điều nên làm dưới đây:

    1. Xây dựng thói quen sinh hoạt hàng ngày cho các bé

    Con yêu của bạn giờ đây tựa như một chú ong chăm chỉ hút mật, các bé đang cần mẫn khám phá mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, cha mẹ hãy tạo lập thói quen ăn ngủ đúng giờ để giúp trẻ phát triển toàn diện. Các mẹ nhà mình có thể thử áp dụng đồng hồ sinh học này cho con yêu của mình nha.

    • 7:00 - Đánh thức các bé và chuẩn bị cho trẻ ăn sáng. Đây là bữa ăn quan trọng để cung cấp dinh dưỡng cho một ngày dài năng động của con nên mẹ bỉm nào cũng phải lưu ý về lượng dưỡng chất nạp cơ thể của trẻ.

    • 8:00 - Sau khi ăn sáng xong, các bé thường sẽ khám phá vui chơi. Mẹ hãy dành thêm thời gian chơi đùa và dạy cho bé thêm nhiều kiến thức mới.

    • 10:00 - Trẻ sẽ thường ngủ ngắn giữa buổi sáng.

    • 12:30 - Ăn trưa.

    • 14:00 - Cho trẻ ngủ trưa.

    • 17:30 - Trẻ ăn tối và chơi đùa cùng cha mẹ.

    • 19:00 - Cha mẹ nên tập cho trẻ ngủ sớm vào khung thời gian này.

    2. Lưu tâm đến vấn đề sức khỏe, răng miệng của trẻ

    Trẻ sẽ bắt đầu mọc hai chiếc răng cửa dưới trước trong khoảng 6 tháng tuổi trở lên. Đến khi được 10 tháng tuổi sẽ mọc thêm răng cửa bên khiến cho các bé thường xuyên quấy khóc, biếng ăn, sưng tấy nướu,sốt... Để hạn chế tình trạng trên, mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng để tránh làm đau răng của bé. Hoặc cho trẻ sử dụng thêm các món đồ chơi dành riêng cho lúc mọc răng để trẻ có thể thỏa sức cắn, nhai mà không cần phải lo ngại gây ảnh hưởng xấu đến răng miệng. Mẹ đừng quên dùng thêm loại khăn mềm để vệ sinh toàn bộ nướu cũng như mặt trong và ngoài răng cho trẻ nữa nha.

    Ngoài ra, một số vật dụng dành cho trẻ sơ sinh hiện không còn dùng tới thì mẹ nên dọn dẹp, thanh lý hoặc cất gọn để có thể tái sử dụng cho lần sinh nở tiếp theo. Vừa giữ gìn môi trường sống luôn sạch sẽ, thoáng đãng vừa làm cho ngôi nhà của bạn đỡ bề bộn hơn. 

    3. Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng

    Việc đầu tiên cha mẹ cần lưu ý đó là cân bằng thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của các bé. Không chỉ duy trì việc bú sữa mẹ, các bé cần phải kết hợp nạp thêm nhiều loại dưỡng chất từ thịt, cá, trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc và các loại hạt,... để đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể bé nhỏ hoạt động và phát triển trong suốt cả ngày dài. 

    Mặc dù trẻ đã bắt đầu mọc răng, có thể nhai nuốt các loại thức ăn dặm ở dạng mềm tuy nhiên vẫn có nguy cơ mắc nghẹn khi mẹ chế biến không kỹ lưỡng. Nhất là các món ăn như nho khô, các loại hạt, kẹo cứng hay bỏng ngô, xúc xích,... Vì vậy, mẹ bỉm nên chế biến thức ăn phù hợp với sức nhai và khuôn miệng của bé. Hãy cắt thức ăn theo chiều dọc, để thành miếng dài để hạn chế nguy cơ trẻ bị mắc nghẹn, rất dễ tím tái dẫn đến ngạt thở, thậm chí là tử vong. Thay vào đó, hãy tập cho trẻ ăn dặm từ thức ăn dạng lỏng rồi mới chuyển dần sang thức ăn mềm rồi cứng để tạo thói quen nhai mẹ nhé. Và để đảm bảo an toàn sức khỏe cho các bé, cha mẹ nên học ngay một khóa sơ cứu cơ bản để dễ dàng xử lý khi con bị hóc thức ăn hoặc dị vật.

    Không chỉ có thế, trẻ ở giai đoạn này đã có thể học hỏi cách ăn uống từ cha mẹ. Hãy cho trẻ ngồi cùng bàn ăn với cha mẹ, dạy cho trẻ cách cầm các dụng cụ ăn hoặc tự ăn bằng tay không để tạo thói quen ăn uống. Kết hợp với việc sử dụng thêm ghế ăn cho trẻ, túi yếm, các loại thảm trải để hạn chế việc các bé ăn uống rơi vãi xuống sàn nhà mẹ nha. Ngoài ra, khi đi ra ngoài, mẹ bỉm cũng có thể sử dụng thêm các loại túi đựng thức ăn nhỏ để thuận tiện hơn khi cho trẻ ăn uống. Chỉ cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như cách bảo quản thức cho trẻ. 

    Đặc biệt, khi trẻ ở giai đoạn 10 tháng tuổi, mẹ cũng có thể cân nhắc việc có nên cai sữa mẹ cho trẻ hay không. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo rằng nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên. Sau đó, kết hợp ăn dặm cùng với bú sữa mẹ để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng hay cho trẻ sử dụng các loại sữa công thức khác để thay thế sữa mẹ. Đồng thời, mẹ cũng có thể lựa chọn thời điểm dừng cho trẻ bú sữa mẹ khi nào cảm thấy phù hợp.

    4. Nâng cao chất lượng giấc ngủ 

    Trong giai đoạn này, một số trẻ có thể bắt đầu bỏ giấc ngủ ngắn trong buổi sáng mà thay vào đó chỉ ngủ một giấc dài từ trưa đến chiều. Do đó, trẻ sẽ dễ quấy khóc, cáu kỉnh hơn, cơ thể mệt mỏi khi chất lượng giấc ngủ giảm sút. Để hạn chế tình trạng này, các mẹ nên:

    • Điều chỉnh lại thời gian ngủ trưa của trẻ. Tập cho bé ngủ trưa sớm hơn vào buổi trưa. Bố trí không gian phòng ngủ thoáng đãng, yên tĩnh để đảm bảo con yêu được ngủ trọn giấc vào buổi tối. 

    • Nhờ sự trợ giúp khác từ các thành viên trong gia đình để giúp cho các bé dễ ngủ hơn. 

    • Tìm tòi, học hỏi thêm các phương pháp dỗ dành trẻ khi ngủ để giúp các bé cảm thấy an toàn hơn để ngủ thật ngon. Loại bỏ tình trạng trẻ hay giật mình thức giấc giữa khuya. Đồng thời, cha mẹ hãy kiên nhẫn, đừng vội dỗ dành khi trẻ bật khóc lúc thức giấc giữa đêm nha. 

    • Tham khảo ý kiến và nhận lời khuyên từ các bác sĩ chuyên khoa để có thể nâng cao chất lượng giấc ngủ của trẻ một cách hiệu quả. 

    5. Những lưu ý cha mẹ cần nhớ khi chăm sóc trẻ

    Không chỉ có thế, để gần gũi với con hơn cũng như kích thích trí não của các bé, cha mẹ hãy dành thời gian chơi đùa cùng trẻ, hướng dẫn trẻ qua các trò chơi như chơi ú òa, chơi lăn bóng. Mẹ hãy dạy cho trẻ xếp các khối đồ vật nhiều màu sắc lại với nhau hoặc cùng trẻ hát theo những bản nhạc yêu thích. Lúc này, các bé đã có thể ê a theo giai điệu một cách vô cùng đáng yêu đấy.

    Cuối cùng, đừng quên dành ra một ít thời gian rảnh cho bản thân mình. Hãy gửi con cho ông bà hoặc nhờ người trông trẻ trong đôi ba giờ để cha mẹ có thể cùng nhau đi dạo phố hay hẹn hò cùng bạn bè để giải tỏa căng thẳng, nạp lại năng lượng tinh thần để có thể sẵn sàng “chiến đấu” với nhóc tì hiếu động nhà mình. Sức khỏe của mẹ cũng rất quan trọng trong việc chăm sóc và nuôi dạy con, vì vậy đừng vì bận rộn chăm sóc bé yêu mà quên đi mất bản thân của mình cũng cần được quan tâm và nghỉ ngơi điều độ. 

    Tin liên quan

    Các mốc phát triển của bé 1 tuổi

    Thứ Bảy, 17/07/2021
    Maru content

    Sự tăng trưởng và phát triển của bé khi 1 tuổi. Trong 12 tháng từ 1 đến 2 tuổi, mẹ sẽ thấy con không còn giống...

    Sự phát triển của em bé 11 tháng tuổi

    Thứ Sáu, 16/07/2021
    Maru content

      Những điều mẹ cần biết khi trẻ được 11 tháng tuổi Thấm thoát mới đó mà con yêu đã được 11 tháng tuổi, mẹ cũng đã...

    Sự phát triển của em bé 10 tháng tuổi

    Thứ Sáu, 16/07/2021
    Maru content

    Mỗi một ngày trôi qua, con yêu đều phát triển hơn từ việc tập lẫy, tập bò cho đến nhận thức rõ hơn về mọi...

    Tạp hoá Maru

    GIAO HÀNG TOÀN QUỐC

    Giao hàng tận nhà toàn quốc

    Tạp hoá Maru

    HỖ TRỢ SHIP COD

    Thanh toán khi nhận hàng

    Tạp hoá Maru

    HỖ TRỢ ĐỔI TRẢ

    Đổi/trả ngay khi có sự cố

    Tạp hoá Maru

    CAM KẾT CHẤT LƯỢNG

    Hàng chính hãng 100%

    Gọi ngay cho Bobisu nhé!
    Chat với chúng tôi qua Zalo
    Đến cửa hàng